Mô tả
Khi nhắc đến cây long não, điều đầu tiên nhiều người sẽ nghĩ đến là những bài thuốc quý, những công dụng lớn lao trong y học. Tuy nhiên, cây không chỉ là để làm thuốc mà còn có nhiều công dụng bất ngờ khác trong cuộc sống. Để tìm hiểu thêm về giống cây quý này, hãy theo dõi bài viết dưới đây của Cây cảnh Anh Thư nhé.
Giới thiệu tổng quan về cây long não
Cây long não Cinnamomum camphora, còn gọi là dã hương, chương não, long não hương, mai hoa băng phiến, thuộc họ Long não (Lauraceae), xuất xứ từ Đông Á. Cây được trồng ở nhiều tỉnh phía Bắc Việt Nam để lấy bóng mát và đuổi muỗi, côn trùng là chính.
Long não cây thân gỗ thường xanh, cao từ 10 đến 15m và có thể đạt tới 30m nếu chăm sóc tốt. Thân gỗ có đường kính khoảng 2m, vỏ cây thô và nứt nẻ dọc theo thân. Lá cây hình bầu dục, nhẵn bóng, mọc so le và có mùi thơm đặc trưng khi vò nát. Hoa nhỏ, màu vàng lục, mọc thành chùm ở ngọn cành.
Quả cây long não thuộc nhóm quả mọng hình cầu, nhỏ chỉ có đường kính khoảng 1cm. Quả cây long não không thể ăn trực tiếp vì có chứa độc (camphor) dễ khiến bị co giật, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, khó chịu và kích động, thậm chí là tử vong chỉ trong 5 – 20 phút khi hấp thụ phải.
Ý nghĩa của cây long não
Với tuổi thọ cao và khả năng sinh trưởng mạnh mẽ, cây long não thường được xem là biểu tượng của sự trường thọ, sức khỏe và sự bền bỉ. Ngoài ra, những cây cổ thụ có tán lá xòe rộng sum suê còn tượng trưng cho sự hòa thuận, êm ấm và có nhiều của cải trong cuộc sống. Vì vậy các gia chủ thường muốn giữ cho cây long não của mình luôn tươi tốt để tránh điềm xấu vào không gian sống.
Tác dụng của cây long não
Tác dụng trong trang trí cảnh quan
Cây long não, với tán lá rộng và sum suê, được ưa chuộng trồng dọc theo ven đường và vỉa hè để tạo bóng mát và giảm nhiệt độ cho không gian xung quanh. Không chỉ có tác dụng che mát, cây long não còn mang vẻ đẹp cổ kính và bề thế, khiến nó trở thành một điểm nhấn ấn tượng trong sân vườn, công viên, con phố,… Thêm vào đó, nhờ thân cây cứng cáp và hệ thống rễ to dày ăn sâu vào đất, cây long não còn được sử dụng để trồng rừng phòng hộ, giúp bảo vệ đất đai khỏi xói mòn và cải thiện môi trường sinh thái.
Tác dụng trong làm tinh dầu
Theo các nghiên cứu từ phương pháp sắc ký khí, các nhà khoa học đã phát hiện ra trong thân, lá và quả của cây long não có chứa các chất D-camphor (51,3%), 1,8-cineole (4,3%), α-terpineol (3,8%),… Những chất này khi chưng cất có màu vàng nhạt và trong suốt và khá nóng nên cây long não thường được làm tinh dầu long não.
Tinh dầu long não có nhiều công dụng hữu ích, đặc biệt trong việc làm ấm cơ thể và giảm đau nhức cơ khớp. Khi bị bong gân, bầm tím, bạn có thể pha vài giọt tinh dầu long não với dầu nền, sau đó massage nhẹ nhàng lên vùng bị tổn thương để giảm sưng đau và bầm tím (không bôi lên vết thương hở).
Ngoài ra, tinh dầu long não còn có tác dụng gây tê và khử trùng nhẹ. Trong tình huống khẩn cấp, bạn có thể pha vài giọt tinh dầu vào nước ấm sạch để bôi hoặc rửa khử trùng vết thương nhỏ ngoài da.
Hơn nữa, tinh dầu long não còn được dùng để xông phòng, kích thích hoạt động của hệ thần kinh và hệ hô hấp giúp cơ thể và tinh thần được thoải mái hơn. Bên cạnh đó, mùa hương cay mát của tinh dầu còn giúp xua đuổi côn trùng rất hiệu quả.
Tác dụng trong y học
Cây long não khá đặc biệt vì càng về già, đặc biệt những cây trên 40 – 50 tuổi sẽ là nguồn dược liệu cực kỳ cao cấp. Lý do là vì nồng độ chất camphor và các chất khác trong cây đã tích tụ được nhiều, không pha tạp chất và các thành phần đã ổn định hơn.
Tại Việt Nam, cây thường được dùng để điều trị thổ tả do hàn thấp, đau tim, đau bụng, và đau dạ dày. Nó cũng hiệu quả trong việc rửa ngoài để chữa ghẻ lở, hắc lào, và được sử dụng để giảm ngứa, đau, ho, và sưng. Ngoài ra, cây long não còn giúp điều trị nhiễm trùng da, nấm móng, mụn cơm, lở loét, bệnh trĩ, viêm xương khớp, các bệnh đường hô hấp, tim mạch, và bỏng nhẹ.
Tác dụng trong thủ công mỹ nghệ
Gỗ long não là gỗ thuộc nhóm IV theo bảng danh mục các nhóm gỗ tại Việt Nam, nghĩa là gỗ này có tỷ trọng trung bình và khá nặng, có màu gỗ tự nhiên, bề mặt nhẵn, dễ gia công chế biến và khá bền. Nhờ những đặc điểm này, gỗ long não là một loại gỗ có giá trị kinh tế cao, cùng hạng với các loại gỗ quý khác như gỗ gội nếp, gỗ dầu mít, gỗ cà duối….
Điểm đặc biệt nhất của gỗ long não là màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm tự nhiên với mùi thơm đặc trưng giúp xua đuổi côn trùng. Do đó gỗ được được dùng để chế tác ra tượng phật, tượng cóc, tranh điêu khắc, lục bình, bàn, ghế, tủ,…và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ nội thất cao cấp khác.
Cách trồng cây long não
Trồng cây long não khá là phức tạp và có nhiều bước bạn cần phải để ý kỹ trước khi trồng. Vì vậy hãy làm theo các bước dưới đây để trồng cây thành công nhé:
- Chọn giống cây đạt tiêu chuẩn: Bạn nên mua giống cây không bị bệnh, không có dấu hiệu của sâu hại và phải tươi tốt. Ngoài ra, cây còn phải đạt chuẩn 6 – 12 tháng tuổi, đường kính cổ rễ từ 4 – 5 mm, dài từ 20 – 25 cm.
- Thời vụ trồng cây: Thời điểm lý tưởng để trồng cây long não thường là đầu mùa mưa. Vì vậy khu vực phía Bắc nên trồng trong khoảng từ tháng 2 – 4, Bắc Trung Bộ là từ tháng 9 – 11, Duyên hải miền Trung là từ tháng 11 – 1 còn Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là từ tháng 6 – 9.
- Đất trồng: Cây long não có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau nhưng phát triển tốt nhất khi trồng tại đất cát màu mỡ. Độ pH của đất rất rộng, dao động từ chua nhẹ ở độ pH 4,3 đến rất kiềm ở độ pH 8,0.
- Mật độ trồng cây: Khi trồng thành hàng, nên trồng cách nhau 5 – 6m để cây có chỗ quang hợp và không ảnh hưởng đến cây khác.
Cách chăm sóc cây long não
Trồng cây long não không hề đơn giản nhưng chăm cây sao cho khỏe mạnh thì càng phức tạp hơn nữa. Vì thế, Cây cảnh Anh Thư sẽ chia sẻ các yếu tố cần lưu ý khi chăm sóc giống cây này:
- Ánh sáng: Cây long não vốn ưa sáng nên bạn cần đặt cây tại nơi có nhiều ánh sáng. Cây cũng có thể chịu bóng một phần nhưng cây sẽ không được tươi tốt như mong đợi.
- Nước tưới: Khi vừa mới trồng cây, cây cần được tưới hằng ngày để duy trì độ ẩm cho cây. Sau tầm 2 năm khi cây đã cứng cáp hoặc vào những ngày mưa nhiều, bạn có thể giảm lượng nước tưới xuống để cây không bị úng.
- Bón phân: Trong 3 năm đầu, mỗi năm nên bón phân 2 lần vào mùa xuân. Để bón phân, hãy xới đất xung quanh gốc cây với đường kính từ 60 – 80 cm và độ sâu từ 3 – 4 cm. Sau đó, kết hợp vun đất và bón từ 0,1 – 0,3 kg phân NPK cho mỗi cây trong mỗi lần bón. Sau đó cây chỉ cần bón khi cây bị thiếu dinh dưỡng, không cần bón thường xuyên nữa.
- Cắt tỉa: Cây vốn không cần phải cắt tỉa, nhưng nếu bạn muốn giữ thế cho cây thì có thể cắt tỉa vào cuối đông hoặc đầu xuân khi cây chưa bắt đầu phát triển chồi mới. Bạn cũng nên dọn hết cỏ dại đi để cây hấp thụ được nhiều dinh dưỡng hơn.
- Phòng sâu bệnh: Cây long não có khả năng chống lại nhiều loại sâu bệnh và nấm bệnh thông thường. Tuy nhiên, đôi khi cây sẽ có thể bị ve và côn trùng vảy tấn công, vì vậy cần chú ý các dấu hiệu của sâu bệnh rồi sử dụng thuốc trị bệnh hiệu quả.
- Phòng nấm: Ngoài ra, cây long não đôi khi cũng bị bệnh héo lá long não do nấm Raffaelea lauricola lây truyền từ bọ cánh cứng đục gỗ Xyleborus glabratus. Hiện tại không có phương pháp nào chữa bệnh này nên chỉ có thể phát hiện kịp thời và tiêu hủy những phần bị bệnh đi để tránh lan nấm ra toàn cây.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về cây long não cũng các tác dụng quý báu của cây. Nếu bạn có nhu cầu cần tư vấn về giống cây bóng mát này, hãy nhấn vào nút giỏ hàng phía trên và điền thông tin cá nhân của bạn. Sau đó hãy nhấn gửi đến cho Cây cảnh Anh Thư, đội tư vấn chuyên nghiệp của chúng tôi sẽ liên hệ lại với bạn để hỗ trợ nhanh chóng.
CÔNG TY TNHH CÂY CẢNH ANH THƯ
Bán, cho thuê & dịch vụ cây cảnh
Ngõ 55 phố Thanh Lân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội
Hotline: 0903.245.820 - Email: lienhe@caycanhanhthu.vn