Lan hồ điệp bị héo nụ – Nguyên nhân và cách khắc phục
Thời điểm hoa nở là lúc người trồng lan hồ điệp mong chờ nhất vì đó là cả công sức chăm bón từ lúc cây mới nhú. Nhưng trong quá trình nở hoa, một số nụ lại bị héo thối dẫn đến cả cành lan nở không đều, kém rực rỡ. Từ đó giá trị của cây giảm xuống rõ rệt. Vậy vì sao lại có hiện tượng lan hồ điệp bị héo nụ? Cách nào để khắc phục và phòng tránh tình trạng này?
Hiểu về chu kỳ nở và rụng của hoa lan
Đợt nở hoa của lan hồ điệp kéo dài 6 – 12 tuần. Trung bình mỗi năm có 1 – 2 đợt nở hoa. chủ yếu vào giữa tháng Chạp âm lịch. Giữa các đợt này hoa bắt đầu héo đi, cây tiếp nhận dinh dưỡng, sinh trưởng và chuẩn bị cho đợt tiếp theo. Cành có thể héo đi và nụ hoa có thể rụng.
Nếu nụ hoa rụng sau đợt nở thì đây là hiện tượng bình thường để cây hút dinh dưỡng cho ngồng hoa mới. Còn nếu trong giai đoạn nở hoa mà lan hồ điệp bị héo nụ là tín hiệu cho thấy cây đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường.
Dấu hiệu cho thấy lan hồ điệp bị héo nụ
Nụ lan hồ điệp phát triển bình thường có màu xanh lá, dày thành và tương đối chắc. Còn nụ có dấu hiệu rụng là: nụ non bị teo, khô và rụng sớm; nụ bị thối đen khi còn trong lưỡi mèo; nụ lớn có đốm nâu, biến dạng, mất màu; nụ nở ra hoa xấu, xấu hiện hư hại trên cánh hoa.
Bệnh héo nụ xuất hiện ở mọi giai đoạn phát triển của hoa lan hồ điệp, ngay từ khi hình thành nụ cho đến lúc hoa nở.
Nguyên nhân và cách xử lý nụ hoa lan bị héo
Có khá nhiều nguyên nhân khiến lan hồ điệp bị héo nụ, xuất phát từ các yếu tố bên ngoài như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, giá thể, phân bón, sâu bệnh,… Chi tiết các nguyên nhân và cách khắc phục có ở trong phần dưới đây.
Nhiệt độ thay đổi đột ngột
Giới hạn nhiệt độ để lan hồ điệp sinh trưởng tốt là trong khoảng 15 – 27 độ C vì đây là giống hoa vùng cận ôn đới ưa mát mẻ. Trong thời kỳ nở hoa, cây ưa nhiệt độ thấp hơn khoảng 3 – 5 độ C.
Khoảng nhiệt thay đổi xuống quá thấp hoặc quá cao, cây không kịp thích nghi có thể khiến nụ bị rụng và hoa sớm tàn hoặc mắc bệnh đạo ôn. Việc nhiệt độ thay đổi có thể do môi trường tự nhiên như đón không khí lạnh, trời nóng đột ngột. Điều này cũng có thể do môi trường nhân tạo như cây gần lò hơi, cây đặt tại nơi nắng gắt, cây chạm vào vật nóng, môi trường mất độ thoáng mát.
Để tránh trường hợp lan hồ điệp bị héo nụ do nhiệt độ thay đổi, bạn nên tạo một môi trường nuôi trồng riêng cho lan. Trong không gian này nhiệt độ và ánh sáng luôn ổn định. Ngoài ra không cho lá cây chạm vào vật thể khác. Nếu đặt chậu lan tại cửa sổ hoặc trước hiên nhà, hãy đảm bảo ánh sáng mặt trời khi lên cao không chiếu tới cây, đồng thời lá cây không chạm vào song cửa.
Thay chậu và giá thể mới
Nhiều trường hợp bạn cần thay chậu lan ngay lập tức như chậu bị vỡ, cây bị thối rễ, giá thể chứa nhiều muối, cây bị sâu bệnh tấn công. Việc thay chậu là một phần trong các bước để cứu cây.
Lan hồ điệp nhạy cảm khi thay chậu mới. Tỷ lệ này càng cao vào đầu chu kì nở hoa – khi cây cần độ ổn định cao. Bệnh cháy chồi, héo nụ héo lá, rụng hoa có thể xảy ra. Rễ cây sẽ phải thích nghi với môi trường mới, mất đi các chất dinh dưỡng từng thu nạp, có thể cần phát triển rễ mới.
Nếu phải thay chậu gấp, hãy ưu tiên vào thời kì lan chưa có nụ hoặc nụ rất nhỏ. Trường hợp cần cắt bỏ rễ để cứu cây, bạn nên cắt bỏ luôn cành hoa lan cho tới tận gốc rồi khử trùng. Cây cần phục hồi về bộ rễ trước rồi mới bắt đầu phát triển nên cần loại bỏ cành.
Tưới ít nước hoặc nhiều nước
Tưới quá nhiều nước khiến rễ lan hồ điệp bị úng, thối và hư hại, giảm khả năng hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Nụ hoa không đủ dinh dưỡng sẽ rụng.
Ngược lại, tưới ít nước khiến lan thiếu nước, sẽ hút ngược nước từ chồi, khiến chồi héo và rụng sớm. Ngoài ra cây còn có nguy cơ bị bệnh đạo ôn, rụng hoa sớm.
Lưu ý chỉ tưới lượng nước vừa đủ cho lan hồ điệp, tưới đến khi thấy mặt đất xốp mềm nhưng không tràn nước lên bề mặt. Thời điểm tưới lan là sáng sớm và chiều muộn. Chu kì tưới tùy thuộc giai đoạn sinh trưởng của cây.
Độ ẩm môi trường thay đổi
Độ ẩm trung bình để lan hồ điệp phát triển bình thường là 70 – 80%. Độ ẩm cao là môi trường lý tưởng để nấm mốc phát triển và ngược lại, độ ẩm thấp khiến lan bị khô héo, cháy lá, rụng nụ. Cây phải hy sinh phần chồi non hoặc nụ để phát triển, đó là lý do cho hiện tượng lan hồ điệp bị héo nụ.
Hãy luôn chuẩn bị nhiệt kế ẩm trong môi trường trồng lan hồ điệp. Bổ sung máy tạo ẩm và quạt hút ẩm cho lan. Dưới các chậu lan có thể bố trí khay giữ ẩm vào các ngày khô để khi nước bốc hơi tạo thêm độ ẩm cho cây. Ngoài ra khi trời nắng gắt bạn có thể phun sương vào sáng sớm cho cây để tăng độ ẩm.
Bón phân quá nhiều cho lan
Bón phân nhiều khiến hàm lượng các chất quá cao trong giá thể, mất cân bằng dinh dưỡng gây tổn hại đến lan hồ điệp. Cây bị cưỡng bức về dinh dưỡng sẽ bị cháy lá mục cành, héo nụ,..
Việc bón phân trong từng giai đoạn của lan hồ điệp cần tuân thủ đúng về quy trình, hàm lượng, liều lượng, phương pháp và cường độ bón. Vấn đề này chúng tôi sẽ có một bài hướng dẫn chi tiết gửi tới các bạn.
Sâu bệnh phá hoại cây
Sâu bệnh, nấm mốc là tác nhân nguy hiểm tàn phá lan hồ điệp nhanh chóng. Các loài rệp, bọ ve, bọ trĩ,.. tấn công khiến cây yếu dần, rụng hoa và nụ sớm. Bạn cần cách ly cây bị sâu bệnh với các cây còn lại. Tiếp theo xác định loại côn trùng gây hại và tìm hướng diệt trừ phù hợp.
=>> Xem ngay: Tổng hợp 19 bệnh phổ biến trên lan hồ điệp và cách chữa trị
Khói và khí bụi xâm nhập
Vì lan hồ điệp rất nhạy cảm nên bất kì thay đổi nào từ môi trường đều ảnh hưởng đến cây, bao gồm cả khói bụi. Môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất và khói thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến lá, hoa và nụ lan. Nhiều loại khói chứa ethylene còn kích thích hoa nở sớm và nhanh, dẫn đến thời điểm hoa rụng sớm hơn dự kiến.
Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy tạo khu vực trồng riêng cho lan, hạn chế không khí bên ngoài xâm nhập thường xuyên. Để cây tránh xa khói thuốc, khói từ động cơ, khói đốt,… Ngoài ra cần tránh để cây gần loại quả chứa nhiều ethylene. Làm như vậy thì mới tránh lan hồ điệp bị héo nụ và nở hoa sớm.
Tổng thể môi trường bị thay đổi
Hoa lan hồ điệp rất nhạy cảm với môi trường. Chỉ cần di chuyển chậu cây đến vị trí mới cũng có thể khiến cây yếu đi, trong đó có hiện tượng lan hồ điệp bị héo nụ. Với những cây non chịu tác động nhiều hơn, cây bị sốc, bị cháy lá. Khi hoa nở là lúc cây khỏe mạnh nhất, việc di chuyển giữa các vị trí thuận tiện hơn nhiều.
Trong giai đoạn lan đang phát triển, bạn không nên di chuyển chậu quá nhiều hay di chuyển tới môi trường quá khác biệt. Ví dụ như không nên chuyển cây từ trong nhà khô ráo ra trời nắng gắt, mưa ẩm. Hãy chờ đến khi các nụ đã nở rồi mới di chuyển.
Cây cảnh Anh Thư vừa giúp bạn tìm ra các nguyên nhân khiến lan hồ điệp bị héo nụ và cách xử lý trong từng trường hợp. Với những lưu ý trên, cây lan của bạn hoàn toàn phát triển và cho hoa bình thường.
CÔNG TY TNHH CÂY CẢNH ANH THƯ
Bán, cho thuê & dịch vụ cây cảnh
Ngõ 55 phố Thanh Lân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội
Hotline: 0903.245.820 - Email: lienhe@caycanhanhthu.vn